- Đặt vấn đề
Ngày nay vấn đề “đi muộn, về sớm” đã không còn xa lạ với mọi người, vấn đề này càng gần gũi và hiện hữu với các bạn sinh viên nói chung và sinh viên Học viện Quản lý giáo dục nói riêng. Cụ thể nó được biểu hiện thông qua các hoạt động như: đi học muộn, tham gia các phong trào trên tinh thần không tự giác đến cho được việc, bỏ về giữa chừng trong các cuộc hội nghị, hội thảo của trường, khoa…
Để một buổi học, một cuộc hội nghị thành công thì yếu tố đúng giờ vô cùng quan trọng, nó không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp của sự kiện mà nó còn góp phần làm nên hình ảnh cho các sự kiện diễn ra sau này. Vậy mà hiện nay không ít những sinh viên khi tham gia những sự kiện trên với tinh thần hời hợt, thiếu tinh thần trách nhiệm, đi muộn, về sớm. Thực tế hiện nay, thói quen “đi muộn, về sớm” không chỉ tồn tại trong sinh viên mà nó hiện hữu ở mọi nơi như: cơ quan nhà nước, công ty, bệnh viện…
Hệ lụy của việc “đi muộn, về sớm” là làm cho người khác thấy khó chịu khi phải đợi chờ, từ đó dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, thông báo tới sinh viên tham gia hoạt động và lâu dần thành thói quen khó bỏ mỗi khi tham gia hoạt động nào đó.
- Nội dung
2.1. Khái niệm đúng giờ
Quan niệm về sự đúng giờ rất đa dạng như:
+ Ở Nhật Bản quan niệm muộn một phút cũng là muộn
+ Ở Hàn Quốc đánh giá cao sự đúng giờ và xem việc đến trễ là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng
+ Ở Đức với lịch sử hình thành nền công nghiệp từ lâu đời, bạn cần phải có mặt sớm mười phút trước bất cứ cuộc hẹn nào.
Cho dù bạn ở nơi đâu thì việc đúng giờ luôn là tiêu chí thể hiện nét văn minh, sự tôn trọng của bản thân với người hẹn, điều đó góp phần giúp bạn ghi điểm trong ánh mắt của mọi người, tạo cho bạn thói quen tốt và các cách xử lý công việc hiệu quả nhất. Khi bạn là người luôn tôn trọng sự đúng giờ bạn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới những người khác giúp họ ý thức về tầm quan trọng của việc tham dự đúng giờ.
2.2. Thực trạng, nguyên nhân của tình trạng “đi muộn, về sớm” của sinh viên.
- a) Thực trạng
Tình trạng “đi muộn, về sớm” không phải lúc nào sinh viên cũng mắc phải. Như khi đi thi học kết thúc học phần, đăng ký tín chỉ, mượn tài liệu trong thư viện… thì sinh viên cũng đúng giờ như ai, có khi còn đi sớm nữa. Điều đó chính tỏ sinh viên có khả năng đúng giờ.
Có thể nói khoảng 20 – 30% sinh viên đúng giờ, nhưng thiểu số đó không đủ tạo thành tin tưởng đại diện cho đa số đúng giờ. Ở Nhật Bản có khoảng 70 – 80% sinh viên đúng giờ, nhưng đa số đó được coi là đại biểu.
Đi muộn, về sớm là chuyện có vẻ nhỏ nhưng khi đã thành thói quen ở số đông thì để lại tác hại rất lớn. Vì vậy, có lẽ nên đặt tình trạng đi muộn, về sớm thành một đề tài nghiên cứu của sinh viên nhằm giúp sinh viên hình thành thói quen đúng giờ trong học tập cũng như khi tham gia phong trào đoàn thể. Qua đó cung cấp cho sinh viên kỹ năng, ý thức tự giác trong giờ giấc.
- b) Nguyên nhân của đi muộn, về sớm của sinh viên
Xuất phát từ thói quen của người Việt ta là làm nông nghiệp quanh năm, theo thời vụ dẫn đến việc thoải mái về mặt thời gian.
Sinh viên thì đa số sống xa nhà, không chịu áp lực của gia đình về thời gian lâu dần thành thói quen thiếu tính kỷ luật với bản thân về thời gian.
Môi trường đại học yêu cầu tinh thần tự giác, tự học cao, sinh viên đóng vai trò là trung tâm của trường học vì thế mà sự quan sát, nhắc nhở của giảng viên cũng hạn chế một phần vì tôn trọng sự riêng tư của sinh viên, phần khác giúp sinh viên tự ý thức hơn nữa về tinh thần làm việc cũng như sắp xếp thời gian hợp lý khoa học giành cho học tập cũng như tham gia các phong trào của đoàn, hội…
Tính ỷ lại, dựa dẫm, thoái thác trách nhiệm cho người khác mà đa phần là thoái thác cho những người đứng ra tổ chức sự kiện, nghĩ mình không phải là trung tâm cho nên tự cho mình quyền tự do về thời gian.
2.3. Giải pháp khắc phục tình trạng “đi muộn, về trễ”
- Về phía cán bộ lớp hoặc ban tổ chức các hoạt động phong trào
Trên thực tế, cán bộ lớp hay những người đứng ra tổ chức các hoạt động phong trào của lớp, trường, khoa… thường rất ít khi đến trễ giờ, thường chỉ là sinh viên tới dự đến trễ, đôi khi số sinh viên đến trễ quá lớn. Nếu cán bộ lớp hoặc ban tổ chức cũng tà tà, lỏng lẻo thì không thể trách người dự trễ giờ được. Vì thế trước khi tổ chức một hoạt động gì thì cán bộ lớp cần phải lên lịch trình cụ thể về địa điểm, thời gian, khách mời… một cách tỉ mỉ và có khung chương trình đính kèm vào giấy mời (nếu có) hoặc thông báo cụ thể tới các đơn vị trực thuộc hay từng thành viên trong tổ chức.
- Về phía sinh viên tham dự
Phải luôn luôn đặt mình vào vị trí của ban tổ chức và ý thức về tầm quan trọng của việc đến đúng giờ. Có thái độ tôn trọng, cầu thị đối với mỗi hoạt động từ đó hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp đúng giờ cho bản thân cũng như mọi người.
Đúng giờ là thói quen, là suy nghĩ của mỗi người vì vậy mà bản thân phải hình thành cho mình một thói quen, đặt ra kỷ luật nghiêm khắc đối với bản thân. Coi việc “đi muộn, về sớm” như một thói quen xấu mà mỗi cá nhân phải từ bỏ dần trong suy nghĩ.
- Biện pháp khác
Thông báo thời gian, địa điểm cụ thể cho từng sinh viên và luôn tổ chức hoạt động đúng theo giờ mà thông báo phát ra. Nếu sinh viên tham dự hoạt động đến quá muộn thì không cho vào tham dự nữa hoặc nếu tham dự xong bỏ về giữa chừng thì cũng coi như chưa tham dự hoạt động trên.
Trong quá trình tổ chức hoạt động nêu cao tinh thần tự giác và có thái độ phê và tự phê sâu sắc tới từng sinh viên có biểu hiện “đi muộn, về sớm”, từ đó hình thành thói quen đúng giờ cho mỗi người.
Có các biện pháp như: khích lệ khen thưởng đối với sinh viên tham dự đúng giờ và bên cạnh đó thì cũng phải có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với sinh viên đi muộn, về sớm.
- Kết luận
Đúng giờ trong các buổi học hay trong quá trình tham dự trong các sự kiện mà khoa, trường, lớp tổ chức là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Một hoạt động chuyên nghiệp thì khâu tổ chức, lịch trình đúng giờ là tiêu chí để xét đánh giá hoạt động đó có đạt tiêu chuẩn hay không. Để góp phần làm nên thành công của mỗi hoạt động đòi hỏi mỗi cá nhân phải ý thức tự giác chấp hành, tôn trọng việc đúng giờ của người khác như tôn trọng giờ giấc của chính bản thân mình.
Vì thời gian là của mỗi người là như nhau vì thế tôn trọng thời gian của người khác cũng chính là tôn trọng thời gian của chính mình, thời gian cùng sức khỏe là hai yếu tố không thể lấy lại được. Vì vậy ngay lúc này đây xã hội càng phát triển, nhịp sống của mỗi người càng gấp gáp trong từng hoạt động, để hội nhập sâu sắc với Quốc Tế thì chưa kể bạn là người tài giỏi như thế nào thì yếu tố đúng giờ vẫn phải là yếu tố đặt lên hàng đầu.
Với sinh viên, những người sẽ đóng góp rất lớn cho thành công, hưng thịnh của đất Nước. Vì vậy mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học hãy hình thành cho mình một tư duy đúng về thói quen đúng giờ, lập cho mình các mục tiêu và phương pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với bản thân trong tuân thủ giờ giấc. Từ đó hình thành thói quen đúng giờ như một phản xạ tự nhiên và lan truyền tới những người khác thực hiện theo.
Đúng giờ là một việc tuy nhỏ nhưng nó sẽ góp phần giúp sinh viên không chỉ trong quá trình học tập mà còn cả quá trình làm việc sau này, trong sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay, thời gian giành cho bản thân càng ít đi thay vào đó là thời gian giành cho công việc càng nhiều. Sinh viên thường được ví von như là những người giàu có về mặt thời gian nhưng không phải vì lẽ đó mà tính kỷ luật, tinh thần phê và tự phê về thời gian lại hạn chế đi. Thay vào đó đây là quá trình thử thách bản thân đúng nghĩa để chuyển mình từ một học sinh phổ thông bước sang môi trường học tập, đào tạo chuyên nghiệp góp phần hoàn thiện và sẵn sàng tham gia vào quá trình làm việc chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Thị Thúy – Kỹ năng quản lý thời gian